Trang chủ » Tin tức » Tin IAP

CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC ACCA CÙNG VỚI ANH VŨ ĐÌNH TÚ

Hãy cùng chia sẻ những quan điểm và kinh nghiệm học tập của Vũ Đình Tú - chàng trai vừa hoàn thành tất cả các môn ACCA với số điểm cao nhất trong kỳ thi tháng 12 vừa rồi: Học để lấy kiến thức bằng sự đam mê, ham tìm tòi, học hỏi.
Em quan niệm là nếu học để lấy bằng cấp hay chứng chỉ thì mình sẽ luôn đuổi theo các cuộc thi, còn nếu học vì kiến thức thì ở một góc độ nào đó các cuộc thi sẽ đuổi theo mình (điều này mang tính chất 'kế toán' một chút theo nguyên tắc bản chất hơn hình thức- substance over form). Và có lẽ cách nghĩ đấy làm em đạt điểm tương đối tốt ở các kì thi ACCA vì em hiểu đề thi của các môn ACCA, đặc biệt là các môn Professional được viết bởi những người rất giàu kinh nghiệm trong ngành với mục tiêu mang những gì gần gũi với thực tế nhất vào bài thi và quan trọng hơn là kiểm tra khả năng ứng dụng các kiến thức vào trong các tình huống cụ thể. Do đó, nếu mình chỉ học thuộc lòng lý thuyết và học mẹo thì rất khó qua được các kì thi với cách ra đề vô cùng đa dạng này. Ví dụ như phần định giá doanh nghiệp trong môn P4 về Quản trị tài chính chuyên sâu, em tin là việc tính toán để đưa ra được một con số thì ai cũng làm được và đó cũng không phải là điều mà ACCA cần ở học viên. Vấn đề là tại sao lại có con số đấy, con số đấy dựa trên phương pháp nào, tại sao trong tình huống này lại sử dụng phương pháp này mà không sử dụng phương pháp khác, phương pháp này dựa trên các giả thuyết nào, tại sao trong tình hình này lại đặt giả thuyết như thế, các giả thuyết như thế thì ảnh hưởng gì đến kết quả, kết quả đó đáng tin cậy ở mức độ nào, lưu ý gì khi sử dụng con số đó,.. Khi mình học thật sự vì kiến thức, mình sẽ không chỉ tìm cách trả lời các câu hỏi như thế mà còn lại là tại sao lại đặt ra những câu hỏi như thế. Điều này sẽ tốt khi sử dụng kiến thức vào thực tế, vì sự khác biệt của đề thi và thực tế là mình sẽ vừa phải tự ra đề và tự đưa ra đáp án.
Thầy Hua Chie Yee - một người thầy em rất ngưỡng mộ có nói với em là: "The problem of youth is not how to answer a question, it is that you do not know which questions to ask. Your question is like a kindergarten to me and mine is like a kindergarten to a 60 years old investor. That is the power of the experience. You should learn how to ask". Khi mình nắm được kiến thức và cách sử dụng nó rồi thì việc đạt 50 điểm trong kì thi, em tin là không còn quá thử thách nữa.
Sự đam mê đến từ việc thường xuyên yêu thích và để yêu thích được lại bắt nguồn từ việc thấy được cái hay, cái đẹp. Nhiều người cho rằng ACCA là khô khan, tẻ nhạt, còn em thì nghĩ rằng ACCA đơn giản là những gì gắn liền với thực tế nhất và hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy đâu đó trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như buổi sáng đi uống cafe, quán có người bồi bàn riêng, người pha chế riêng, người thu tiền riêng, môn F8 - kiểm toán gọi đó là phân tách trách nhiệm trong hệ thống kiểm soát nội bộ. Buổi trưa đi ăn bún chả, bà chủ sắp xếp sẵn bún, rau, thịt trước khi khách đến, khách gọi đồ nhân viên chỉ cần chan nước và bưng ra mời khách, môn P5 - quản trị hoạt động kinh doanh chuyên sâu gọi đó là hệ thống Just-In-Time của người Nhật. Buổi tối đi ăn nhà hàng thay vì nấu cơm ăn ở nhà, môn P3 - Phân tích hoạt động kinh doanh gọi đó là outsourcing. Buổi đêm gọi điện cho ông bạn hỏi han tình hình thông tin chưa công bố của công ty nào đó để mai đầu tư chứng khoán, môn P1 - Đạo đức nghề nghiệp gọi đó là insider trading. Mỗi khi học một cái gì mới, hãy tự hỏi xem cái này mình thấy ở đâu trong cuộc sống và mình có thể áp dụng nó vào việc gì, mình có thể kết hợp nó với cái gì mình đã biết không. Quá trình ngẫm nghĩ tìm tòi để liên kết mọi thứ với nhau làm ACCA trở nên thực tế và thú vị hơn bao giờ hết.
Đối với em, hoàn thành ACCA không phải là kết thúc mà là sự bắt đầu cho một chặng đường mới.
(Nguồn từ FB ACCA Việt Nam)
Tags: ,
Học viên đang làm việc tại: