(Dân trí) - Nguyên nhân của tình trạng cử nhân thất nghiệp đã được nói đến nhiều như: cung vượt cầu, trình độ cử nhân kém, thiếu kỹ năng… Nhưng làm sao để các học sinh chuẩn bị chọn nghề, lập nghiệp tránh bước vào “vết xe đổ” này? Cử nhân thất nghiệp phải ứng phó ra sao?

">
Trang chủ » Tin tức » Tin xã hội - tuyển dụng

Tìm lời giải cho bài toán cử nhân thất nghiệp

(Dân trí) - Nguyên nhân của tình trạng cử nhân thất nghiệp đã được nói đến nhiều như: cung vượt cầu, trình độ cử nhân kém, thiếu kỹ năng… Nhưng làm sao để các học sinh chuẩn bị chọn nghề, lập nghiệp tránh bước vào “vết xe đổ” này? Cử nhân thất nghiệp phải ứng phó ra sao?


Phóng viên Dân trí đã trao đổi cùng nhiều chuyên gia ngành giáo dục, nhân lực, việc làm để tìm lời giải cho bài toán này. Sau đây là một số ý kiến của các chuyên gia mà PV Dân trí ghi nhận:
Ông Trần Anh Tuấn, phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM:
Cần cơ quan quản lý, trường học, doanh nghiệp và người lao động chung tay

Cần có sự kết nối giữa sinh viên với doanh nghiệp; giữa hệ thống đào tạo với hệ thống các doanh nghiệp thông qua các sàn giao dịch ngày hội việc làm với mục đích giúp sinh viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Qua đó cũng giúp cho các trường nâng cao hiệu quả đào tạo sinh viên những kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Các cơ quan quản lý liên bộ, liên ngành, các tỉnh, thành phố cần tăng cường khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu sử dụng lao động để nhà trường, thí sinh và xã hội đều biết. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cường đầu việc.

Mặt khác, hàng ngàn cử nhân thất nghiệp nên xác định vấn đề cốt lõi là việc làm, chỉ cần có công việc rồi từ đó tiếp tục phấn đấu, xác định năng lực bản thân, trau dồi kiến thức, kỹ năng để thăng tiến từ những công việc nhỏ nhất. Tâm lý chung là còn đặt nặng vấn đề bằng cấp và học gì thì ra trường phải làm việc đó, trong khi chính sách sử dụng nguồn nhân lực là dựa vào công việc để quyết định cần người như thế nào.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TPHCM:
Học sinh phải được định hướng nghề nghiệp sớm hơn

Về vấn đề sinh viên ra trường có bằng cấp nhưng chỉ 50% có công việc, cần đánh giá sự việc ở 2 góc độ cung và cầu. Xét ở góc độ cầu vĩ mô, các địa phương cần thành lập các trung tâm đánh giá và dự báo nguồn nhân lực để định hướng cho người học 4-5 năm sau như thế nào. Ngành nào cần, ngành nào thiếu để học sinh có điều chỉnh cho phù hợp với thị trường.

Về phía bản thân người học nếu bị từ chối có nhiều lý do nhưng quan trọng hơn hết cần xem mình thật sự phù hợp với yêu cầu công việc chưa. Điều quan trọng nhất và đi suốt cuộc đời của mỗi con người là “sự phù hợp”. Mỗi học sinh khi chọn thi vào một ngành nghề nào đó phải xem có thực sự hợp với sở trường, năng lực của mình hay không chứ dựa theo sở thích cũng chưa chắc đã phù hợp với mình.

Đa phần học sinh học xong lớp 12 vẫn chưa định hướng được mình thích hợp với công việc gì, cứ chọn đại một ngành để học thì khi ra trường thất nghiệp là chuyện dễ hiểu. Điều này đòi hỏi ở công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên bắt đầu ngay từ cấp THCS, đến tận cấp ba mới định hướng như hiện nay là đã muộn.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec:
Đừng nản lòng, cần không ngừng cố gắng!

Hiện nay kinh tế khó khăn nên sinh viên ra trường rất nhiều người không có việc làm; đặc biệt là tài chính kế toán, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… Làn sóng giải thể doanh nghiệp, thất nghiệp diễn ra suốt 2 năm nay cũng "thải" ra thị trường một lượng lớn nhân sự vừa có bằng cấp, vừa có kinh nghiệm. Đó là nguồn cạnh tranh lớn đối với các tân cử nhân mới ra trường nên chuyện tân cử nhân khó tìm việc cũng là điều dễ hiểu. Họ không chỉ phải cạnh tranh với những bạn bè cùng lứa mà còn phải vượt qua nhiều đàn anh, đàn chị có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, nếu khó tìm được công việc phù hợp thì các bạn cũng không nên nản lòng, phải cố gắng giữ vững sự lạc quan kiên nhẫn, nỗ lực hoàn thiện thêm kỹ năng cho bản thân như trau dồi thêm ngoại ngữ, vi tính, tham gia các khóa học kỹ năng ngoại khóa… Việc này cũng một phần giúp bạn vượt qua nỗi lo thất nghiệp. Nếu vì nhu cầu kinh tế cấp bách, các bạn cũng có thể lựa chọn làm những công việc phổ thông để có thu nhập nhưng phải duy trì việc tự học để tránh lãng quên kiến thức. Nếu có điều kiện, bạn có thể tự tạo việc làm cho mình bằng cách tự doanh một cơ sở nhỏ.

Nếu các bạn có việc mà vừa mất việc thì phải tranh thủ tận dụng ngay các mối quan hệ mà mình có trong thời gian làm việc vừa qua để tìm việc mới. Vì nếu gián đoạn việc làm trong giai đoạn khó tìm việc như hiện nay thì về sau sẽ càng khó tìm việc hơn. Nếu không có các mối quan hệ cá nhân, các bạn có thể đến các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín hoặc các trang tuyển dụng trên Internet, báo chí…

Tùng Nguyên - Lê Phương
Tags: ,
Học viên đang làm việc tại: